Tiểu sử Lý Đàm

Thân thế

Không rõ Lý Đàm chào đời vào thời điểm nào. Ông là hoàng tử thứ ba của Đường Túc Tông Lý Hanh, hai người anh trước ông là Đường Đại Tông Lý Thục và Việt vương Lý Hệ (李係).

Mẹ của Lý Đàm họ Trương, Tân Đường thư ghi là Trương cung nhân (張宮人) và không cho biết thêm về lai lịch, xuất thân của bà[1]. Vào những năm Thiên Bảo (742 - 756) dưới thời tổ phụ Đường Huyền Tông Lý Long Cơ, Lý Đàm được phong tước vị Kiến Ninh vương[2]. Sử sách mô tả ông là người anh nghị có tài lược, giỏi về cưỡi ngựa và bắn cung.

Góp công bình loạn An Sử

Cuối năm 755, An Lộc Sơn nổi dậy chống lại triều đình, đến năm 756 thì tấn công vào Trường An.

Đường Huyền Tông cùng văn võ bá quan và tông thất hơn nghìn người chạy đến Kiếm Nam[3]. Lý Đàm cũng cầm quân đi theo bảo vệ xa giá. Khi xa giá đến Mã Ngôi dịch[4], các binh sĩ nổi loạn, đổ tội Dương Quý phi và người anh là tể tướng Dương Quốc Trung hại đất nước đến nỗi sắp diệt vong, ép Hoàng đế phải giết chết hai anh em họ Dương. Sau sự việc này, Đường Huyền Tông tiếp tục chạy về phía tây. Ban đầu, Thái tử Lý Hanh cũng đi theo, giữa đường thì trăm họ phủ phục cầu xin Thái tử ở lại chỉ huy dân binh. Thái tử muốn tiếp tục theo bảo vệ Huyền Tông, muốn vào xin ý kiến Minh Hoàng.

Kiến Ninh vương nghe vậy cố gắng thuyết phục Thái tử rằng:

"Bọn giặc Hồ làm loạn, bốn biển li tán, may nay người dân đều một lòng hưng phục. Nay điện hạ muốn theo thượng vào Thục, rồi quân giặc đốt sạch sạn đạo, quả là chắp tay mà dâng Trung Nguyên cho giặc. Lúc ấy, lòng người ly tán khó mà khôi phục, mai nay biết đi về đâu. Chữ hiếu của bậc trượng phu là giữ yên xã tặc, nay điện hạ có thể chiêu mộ hào kiệt, tuần thú Hà Tây, thu mục mã. Nay quân phòng bị ở biên giới không dưới 10 vạn, lại có Tử Nghi, Quang Bật tại Hà Sóc, có thể cùng bàn mưu mà hưng phục hai kinh, bình định cửu châu, đón chí tôn về triều. Như vậy mới là thượng sách vậy".

Quảng Bình vương Lý Thục, anh trưởng của ông cũng lên tiếng tán thành. Thái tử cuối cùng nghe theo, sai người đến báo với Minh Hoàng. Nhà vua truyền mệnh đem hai nghìn hậu quân, cùng ngựa Phi Long chia cho thái tử, lại phủ dụ tướng sĩ: "Thái tử nhân hiếu, có thể phò yên xã tắc, các khanh nên theo đúng đạo thần tử mà thờ".

Sau đó, xa giá tiếp tục đến Thành Đô, để Thái tử ở lại chỉ huy binh mã. Kiến Ninh vương Lý Đàm khuyên Thái tử đến đóng quân ở Linh Vũ và triệu tập quân đội các nơi đến mưu đồ khôi phục. Trên đường đi, thuyền bè chẳng có, quân sĩ phải tìm chỗ nước nông, ôm ngựa mà bơi sang, những binh lính không có ngựa, đều đành khóc lóc mà quay lại. Tới Tân Bình, suốt ngày đêm đã đi hơn ba trăm dặm, binh sĩ, khí giới mất mát đến hơn một nửa, chỉ còn cả thảy mấy trăm người mà thôi. Lại thêm sĩ khí sút kém, giặc cướp thường đến quấy nhiễu, Lý Đàm phải nhiều lần đích thân cầm quân bảo vệ, mỗi ngày giao chiến hơn 10 trận. Ông thường cùng 100 kiêu kị hành quân, mỗi lần tiếp chiến đều xông pha trước làn gươm mũi giáo đến nỗi máu chảy ra khỏi miệng mà cũng tự kìm nén, không dám cho thái tử biết. Khi thái tử không có gì ăn, Kiến Ninh vương đau thương đến chảy nước mắt, binh sĩ thấy vậy vô cùng khâm phục[1].

Sau khi đến Linh Vũ, Thái tử theo đề nghị của các tướng sĩ và dân chúng, tức vị Hoàng đế, tức là Đường Túc Tông[1][5]. Một thời gian sau khi lên ngôi, Thượng có ý muốn phong cho Kiến Ninh vương làm Thiên hạ binh mã Nguyên soái, chức vị chỉ huy tối cao các đội quân trong nước. Đại phu Lý Bí cảm thấy không được nên bảo với Thượng:"Kiến Ninh vương quả có thể làm nổi chức nguyên soái, nhưng hiện Quảng Bình Vương là con cả, mai kia Kiến Ninh Vương công thành danh lớn, sẽ xử với Quảng Bình vương ra sao".

Thượng đáp:"Quảng Bình vương là con trưởng, nối ngôi là lẽ đương nhiên, chứ chức Nguyên soái giao cho ai cũng đâu ảnh hưởng gì?"

Lý Bí thưa:"Quảng Bình vương tuy là con trưởng nhưng chưa chính vị. Nay loạn lạc thế này lòng người hướng về nguyên soái. Nếu Kiến Ninh Vương đại thắng nghịch tặc, giữ yên xã tắc mà bệ hạ lại không lập sao lòng người yên được. Xưa kia Thái Tông, Thượng hoàng cũng chẳng phải con trưởng mà được lên ngôi đấy thôi?" . Đường Túc Tông mới bằng lòng, sau đó phong Quảng Bình vương là Thiên hạ binh mã nguyên soái. Khi Lý Bí lui ra, đích thân Kiến Ninh vương đến gặp và bái tạ:"Vừa rồi được nghe những lời tâu của ngài, chính là rất hợp với ý ta. Ta thật biết ơn vậy!"[5]

Bị vu oan và bị hại

Trương lương đệhoạn quan Lý Phụ Quốc cấu kết với nhau làm lũng đoạn triều cương, ám hại Quảng Bình vương Lý Thục cùng các cựu thần. Kiến Ninh vương không vừa lòng, bảo Lý Bí:"Bọn họ Trương, họ Lý ghen ghét hãm hại anh em ta, nếu không trừ thì không xong".

Lý Bí thất kinh, cố khuyên Kiến Ninh vương chưa nên kinh động kéo hại đến thân, Kiến Ninh vương không nghe. Nhiều lần ở trước mặt Túc Tông, ông kể tội bọn đàn bà và quan thị độc ác, nham hiểm. Sau đó còn lập mưu định giết Trương lương đệ, Lý Phụ Quốc. Trương thị và Phụ Quốc lo sợ nên trước mặt hoàng đế đã gièm pha Kiến Ninh vương có ý giết Quảng Bình vương, tiếm ngôi:"Lý Đàm xưa nay chỉ hận không được lĩnh chức tổng binh, đến nay đã có ý đồ khác."[1].

Đường Túc Tông tức giận, liền hạ lệnh buộc Kiến Ninh vương phải tự sát. Đó là vào đầu năm 757, không rõ khi đó ông bao nhiêu tuổi.=